Lợi ích sức khỏe của cây củ đậu

Các thành phần có chứa trong củ đậu là đường, tinh bột, phốt pho và canxi rất tốt cho cơ thể. Nhờ đó, củ đậu được coi là có vai trò rất lớn đối với sức khỏe và vẻ đẹp của cơ thể chúng ta. Dưới đây là một số lợi ích của cây củ đậu mà bạn nên tiêu thụ hàng ngày.

1. Nám da

Từ lâu, củ đậu được cho là làm trắng và sáng da. Hàm lượng nước trong củ đậu khá nhiều có thể làm cho làn da của bạn luôn tươi mới và có khả năng loại bỏ các vết thâm đen, tàn nhang trên khuôn mặt của bạn. Củ đậu cũng có thể được sử dụng như một mặt nạ dưỡng ẩm và tẩy các tế bào chết. Hãy đắp mặt nạ củ đậu khoảng 15 phút và rửa mặt với nước, một thời gian sau bạn sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.

Củ đậu có tác dụng nhuận tràng

Củ đậu có tác dụng nhuận tràng, tốt cho hệ tiêu hóa, giúp dạ dày co bóp tốt hơn

2. Giúp xương và răng khỏe mạnh

Một trong những lợi ích của cây củ đậu là làm cho xương và răng khỏe mạnh. Hàm lượng phốt pho và kali giúp duy trì sự phát triển của xương và răng. Nhu cầu canxi và phốt pho của cơ thể chúng ta có thể được đáp ứng bằng cách ăn củ đậu hàng ngày để xương và răng phát triển bình thường.

3. Chống táo bón

Inulin trong cây củ đậu có các tính chất như chất xơ. Các đặc tính này ảnh hưởng đến chức năng của ruột và cải thiện các chỉ số đường huyết. Là một chất xơ, inulin làm tăng khối lượng phân và tăng tần suất đi vệ sinh, đặc biệt là ở những bệnh nhân bị táo bón.

4. Giảm các ảnh hưởng của thời kỳ mãn kinh

Để làm giảm các tác động của thời kỳ mãn kinh cần kích thích tố nữ như phytoestrogen. Chất này có trong củ đậu sẽ giúp cơ thể bạn vượt qua thời kỳ mãn kinh yên ả hơn. Ăn củ đậu hàng ngày với hàm lượng phytoestrogen trong đó còn làm cho làn da của bạn khỏe mạnh và tươi sáng.

củ đậu giàu vitamin C, tăng cường miễn dịch

Củ đậu giàu vitamin C giúp tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch

5. Giảm tăng tiết axit dạ dày

Củ đậu có tính chất như là một chất kiềm làm mát hoặc giúp axit dạ dày thẩm thấu nhanh chóng. Axit dạ dày cao sẽ gây ra các vết loét, vì vậy ăn củ đậu sẽ giúp dạ dày của bạn tốt hơn.

Với nhiều lợi ích trên đây, bạn hãy ăn củ đậu một cách thường xuyên để duy trì sức khỏe và vẻ đẹp của làn da cũng như cơ thể bạn. Hãy ngay lập tức ghi vào thực đơn hàng ngày vì lợi ích sức khỏe và kinh tế.

Mai Hương

(theo HealthBody)

Thảo dược dễ kiếm phòng trị bệnh thường gặp

Tính dược và hoạt chất sinh học của nó giúp tăng miễn dịch, hỗ trợ điều trị, phòng ngừa bệnh tật… Hiểu biết về các thảo dược này sẽ giúp chúng ta chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho chính mình và người thân.

Cây cỏ ngươi hỗ trợ chữa suy nhược thần kinh, mất ngủ

Còn gọi là cây mắc cỡ, trinh nữ thảo…, vị ngọt, tính lạnh, trong thành phần có chứa các alcaliod như mimosim, crocetin và khá nhiều nguyên tố vi lượng, đặc biệt là selen, có công dụng giảm đau, hạ huyết áp, an thần, trấn tĩnh, giảm ho, tiêu đàm. Rễ của cây cỏ ngươi có công dụng thanh nhiệt giải độc, khu phong trừ thấp. Khi bị mất ngủ, suy nhược thần kinh có thể dùng cây cỏ ngươi (toàn cây hoặc rễ) 10-12g hãm hoặc sắc uống hoặc dùng bài thuốc gồm: cỏ ngươi (cả cây 15g hoặc lá 6-12g), cây nụ áo tím 15g, chua me đất 30g, sắc uống mỗi ngày 1 thang. Cũng có thể phối hợp cỏ ngươi với lạc tiên, mạch môn và thảo quyết minh, sắc uống hàng ngày.

Thảo dược dễ kiếm phòng trị bệnh thường gặpCây cỏ ngươi hỗ trợ chữa suy nhược thần kinh, mất ngủ.

Cây khổ sâm trị đầy bụng, khó tiêu

Theo dược học cổ truyền, khổ sâm vị đắng, hơi ngọt chát, tính mát, có công dụng kháng khuẩn tiêu viêm, thanh nhiệt tiêu độc. Với thành phần có chứa alcaloid toàn phần, giàu tanin, hợp chất polyphenl…khổ sâm có tác dụng kháng khuẩn, kháng ký sinh trùng, an thần, lợi tiểu và chống dị ứng. Kinh nghiệm dân gian thường dùng khổ sâm để trị các chứng bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như đầy bụng, chậm tiêu, viêm loét dạ dày tá tràng… Khi bị đầy bụng và chậm tiêu có thể dùng: (1) khổ sâm 12-24g sắc hoặc hãm uống.(2) khổ sâm 12 phối hợp với bồ công anh 12g, nhân trần 12g, lá khôi 10g, chút chít 10g, tán bột, uống mỗi ngày 30g với nước ấm. (3) khổ sâm 12g, lá khôi 40g, bồ công anh 20g, uất kim 12g, hậu phác 12g, ngải cứu 8g, cam thảo 4g, sắc uống hoặc nấu thành cao pha siro uống.

Cây quýt gai chữa đau răng, sâu răng

Còn gọi là cây gai tầm xoọng, trong thành phần chứa tinh dầu và chất nhầy, có tác dụng chống co thắt cơ trơn, giảm ho, chống viêm…Theo y học cổ truyền, loại dược liệu này vị cay thơm, tính ấm, có công dụng khu phong trừ thấp, tán ứ chỉ thống, giảm ho triệt ngược tật (sốt rét). Khi bị đau răng, sâu răng có thể dùng: (vỏ rễ quýt gai rửa sạch, cắt nhỏ, nhai với vài hạt muối trong 5 phút rồi nhổ đi. (2) vỏ rễ quýt gai, vỏ lựu, vỏ chuối hột, rễ tầm xuân, mỗi vị 20g, búp ổi 19g, sắc uống. (3) vỏ rễ quýt gai 30g, vỏ cây thông 30g và vỏ thân cây hoa đại cạo bỏ vỏ ngoài 30, tất cả đem rửa sạch, giã nát rồi ngâm với 500ml rượu trắng, sau 1 tuần thì dùng được, mỗi lần ngậm một ít trong miệng trong 10 phút rồi nhổ đi, tuyệt đối không được nuốt, mỗi ngày vài ba lần.

Cây tầm gửi cây dâu hỗ trợ trị viêm cầu thận

Còn gọi là tang ký sinh, có vị ngọt đắng, tính bình, có công dụng bổ can thận, làm mạnh gân cốt, trừ phong thấp, an thai, lợi sữa. Trong thành phần hóa học có chứa transphytol, α-tocophenol, quinon, quercetin, avicularin, có tác dụng chống ôxy hóa, chống viêm, lợi tiểu, làm hạ huyết áp. Khi bị viêm cầu thận có thể dùng: (1) tầm gửi cây dâu 20-30g, sắc hoặc hãm uống hàng ngày. (2) tầm gửi 15g, kim tiền thảo 10, bạch mao căn 10g, thổ phục linh 10g, mã đề 10g, sắc uống mỗi ngày 1 thang. (3) tầm gửi 16g, câu đằng 16g, mã đề 16g, cúc hoa 12g, sa sâm 12g, ngưu tất 12g, đan sâm 12g, quy bản 12g, trạch tả 12g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Cây dướng chữa đau thần kinh tọa

Chủ yếu là dùng quả dướng, còn gọi là chử thực tử, có chứa saponin, acid p.coumaric, vitamin nhóm B và dầu béo. Theo dược học cổ truyền, quả dướng vị ngọt, tính mát, có tác dụng bổ hư lao, làm mạnh gân cốt, sáng mắt, bổ thận và kéo dài tuổi thọ. Để hỗ trợ trị liệu đau thần kinh tọa có thể dùng: (1) quả dướng chín lượng vừa đủ đem ngâm nước 3 ngày, sau đó vớt ra, để ráo rồi ngâm rượu trắng trong 10 phút, tiếp đó đem nấu trong 12 giờ, cuối cùng là đem sấy hoặc phơi khô, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày ăn 10-15g. (2) quả dướng 15g, sắc uống. (3) quả dướng 12g, đỗ trọng 12g, ngưu tất 12g, quế nhục 5g, thổ phục linh 12g, sắc uống hàng ngày. Người ta còn dùng lá dướng non nấu canh ăn hoặc lá dướng non 12g, lá ngải cứu 60g, nấu nước xông thắt lưng và dọc sau chân nơi đau.

Cây dạ cẩm hỗ trợ trị viêm dạ dày

Trong thành phần hóa học có chứa alcaloid, saponin và tanin, có tác dụng giảm đau, giúp liền sẹo nhanh, trung hòa dịch vị. Theo y học cổ truyền, dạ cẩm vị ngọt đắng, tính bình, có công dụng thanh nhiệt giải độc, chỉ thống, giải độc, tiêu viêm, lợi niệu. Khi bị viêm loét dạ dày có thể dùng: (1) dạ cẩm 20-40g sắc uống. (2) dạ cẩm 900 sắc kỹ, cô thành cao đặc, uống 20g mỗi ngày, chia 2 lần sáng và chiều. (3) bột lá dạ cẩm khô 7kg, cam thảo 1kg, đường kính 2kg, hồ nếp vừa đủ, làm thành cốm, mỗi ngày uống 2 lần trước khi ăn hoặc khi đang đau, mỗi lần 10-15g. (4) lá dạ cẩm khô 7kg, đường kính 2kg, mật ong 1kg. Nấu lá dạ cẩm với nước thành 8kg cao, cho đường kính vào, đánh tan, cô còn 9kg, cuối cùng cho thêm mật ong, đóng chai dùng dần, mỗi ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 1 thìa to (tương đương 10-15g) trước khi ăn hoặc khi đau. (5) dạ cẩm 20g, lô hội 20g, nghệ vàng 12g, cam thảo 6g, mai mực 10g, sắc uống hàng ngày.

ThS. Hoàng Khánh Toàn

Tô mộc trị chấn thương, bế kinh

Theo Đông y, tô mộc vị ngọt mặn, tính bình vào kinh Tâm, Can và Tỳ. Có tác dụng hoạt huyết, thông kinh, khu ứ, chỉ thống. Chữa kinh bế, đau bụng sau sinh, đau do té ngã chấn thương. Liều dùng: 4 - 12g.

Tô mộc được dùng làm thuốc trong các trường hợp:

Hoạt huyết thông kinh: Dùng cho phụ nữ huyết trệ bế kinh, đau bụng.

Bài 1 - Hoàn thông kinh: xích thược 12g, quy vĩ 12g, ngưu tất 12g, đào nhân 12g, hổ phách 2g, sinh địa 16g, xuyên khung 6g, hồng hoa 6g, tô mộc 6g, hương phụ 6g, ngũ linh chi 8g. Tất cả nghiền thành bột mịn, làm hoàn. Mỗi lần 12g, ngày uống 2 - 3 lần, chiêu với nước đun sôi.

Bài 2: tô mộc 12g, rễ bưởi bung12g, rễ bướm bạc 12g, thiên niên kiện 8g, rễ sim rừng 8g. Sắc uống.

Bài 3: tô mộc 10g, hồng hoa 10g, uất kim 10g, nga truật 10g, nhục quế 10g. Sắc uống.

Bài 4: tô mộc 10g, diên hồ sách 6g, sơn tra 10g, hồng hoa 4g, ngũ linh chi 8g, quy thân 10g. Sắc uống. Chữa kinh nguyệt không đều hoặc sau sinh đau bụng từng cơn.

Bài 5: tô mộc 10g, mộc thông 10g, bạch đồng nữ 10g, mai mực 12g (bỏ vỏ cứng, tán bột để riêng). Sắc 3 dược liệu lấy nước, uống với bột mai mực. Chữa phụ nữ bạch đới, nam giới tiểu đục.

Trừ ứ, trị chấn thương: Dùng cho chấn thương do đánh, ngã, chảy máu cam.

Bài 1 - Bột bát ly: xạ hương 0,4g, tô mộc 20g, đinh hương 20g, đồng thiên nhiên 12g, nhũ hương 12g, một dược 12g, huyết kiệt 12g, hồng hoa 8g, mã tiền chế 4g. Các vị tán bột. Mỗi lần uống 4g, ngày 2 lần, uống với rượu trắng. Trị thương tích do ngã, đòn đánh.

Bài 2 - Thuốc sắc nhị vị sâm tô: đảng sâm 12g, tô mộc 6g. Sắc uống. Trị chấn thương phổi, nôn ra máu nhiều, khí hư huyết ứ, mặt đen tức ngực, thở hổn hển.

Bài 3: tô mộc sấy khô, tán bột, rắc vết thương. Trị chấn thương chảy máu.

Bài 4: tô mộc 8g, tang chi 20g, tang ký sinh 15g, ké đầu ngựa 10g, hoàng bá 10g, cối xay 10g, vòi voi 10g, cam thảo đất 10g. Sắc uống trong ngày. Chữa phong thấp thể nhiệt tý, đau nhức nhiều.

Bài 5: tô mộc 10g, đan sâm 12g, xuyên khung 12g, ngưu tất 12g, uất kim 8g, chỉ xác 6g, trần bì 6g, hương phụ 6g. Sắc uống. Chữa liệt dây thần kinh VII ngoại biên do sang chấn.

Kiêng kỵ: Người huyết hư không ứ không được dùng. Dùng thận trọng với người có thai.

BS. Tiểu Lan

Cây lu lu thanh nhiệt, giải độc

Cây lu lu mọc hoang khắp nước ta, thường thấy ở các bãi hoang, vườn ruộng khô, hai bên đường. Cây còn tên là lu lu đực, thù lù đực, cây nụ áo. Trong các sách dược thảo của Trung Hoa, có tên là long quỳ, khổ thái, khổ quỳ, lão nha toan tương thảo, gia cầu, thiên già tử, thiên già miêu nhi... Tên khoa học Solanum nigrum L., thuộc họ Cà (Solanaceae).

Lu lu là loài cỏ mọc hằng năm, thân nhẵn hoặc có ít lông, cao 50 - 80cm, có nhiều cành. Lá hình bầu dục, mềm, nhẵn, dài 4 - 15cm, rộng 2 - 3cm. Hoa nhỏ, màu trắng, mọc thành tán nhỏ có cuống ở kẽ lá. Quả hình cầu, đường kính 5 - 8mm, lúc đầu màu lục, sau vàng và khi chín lại có màu đen tím. Hạt dẹt, hình thận, nhẵn, đường kính chừng 1mm. Toàn cây vò hơi có mùi hôi. Một số nước châu u, châu Á dùng cây này làm rau ăn nhưng phải nấu chín, và có khi phải đổ bỏ 2 - 3 nước đầu đi. Riêng quả có độc không dùng.

Gần đây các nhà khoa học Trung Quốc còn phát hiện thấy tác dụng chống ung thư, chống nọc rắn độc và tăng cường miễn dịch. Liều dùng từ 15 - 30g sắc lấy nước uống. Dùng ngoài giã đắp hoặc nấu nước rửa vết thương. Bộ phận dùng làm thuốc thu hái toàn cây phơi hay sấy khô.

Lưu ý: dùng quá liều có thể bị trúng độc với các biểu hiện như đau đầu, đau bụng, nôn mửa, ỉa chảy, giãn đồng tử, tim đập nhanh sau chậm lại, rối loạn tâm thần, hôn mê... Theo sách Thảo mộc liệu pháp: “Những tác dụng phụ như trên thường xuất hiện khi dùng quá 150g trong ngày”.

Dưới đây xin giới thiệu một số cách trị liệu từ cây lu lu:

Chữa cảm sốt, sưng họng, ho nhiều đờm: dùng 20 - 30g cây lu lu tươi, giã nát, chế nước đã đun sôi vào, vắt lấy nước cốt chia 2 lần uống trong ngày. 5 ngày 1 liệu trình. Hoặc có thể dùng rễ nụ áo 100g, rễ ké hoa vàng 100g, hạt tiêu đen 2,5g, mỗi lần uống 3 - 5g.

Chữa phù thũng, tiểu tiện không thông: dùng cả cây lu lu khô 15g, mộc thông 15g, rau mùi 20g, sắc nước uống trong ngày.

Chữa ngã trên cao xuống, bị thương ứ máu: dùng cả cây lu lu tươi 80g, giã nhỏ, chế thêm dấm, vắt lấy nước cốt uống, còn bã dùng đắp lên chỗ đau.

Chữa hậu bối, các loại nhọt độc sưng đau: dùng lá lu lu và 1 con nhái, cùng giã nát rồi đắp lên chỗ bị bệnh.

Chữa tràng nhạc: dùng cành lá lu lu, vỏ cây đào, lượng bằng nhau, nghiền thành bột mịn, hòa với dầu vừng, bôi vào chỗ bị bệnh.

Chữa thổ huyết không ngừng: cành lá lu lu phơi hoặc sấy khô nghiền thành bột mịn, nhân sâm tán thành bột mịn. Ngày uống 3 - 4 lần, mỗi lần dùng 4g bột lu lu trộn với 2g bột nhân sâm, chiêu với nước đun sôi để nguội.

Chữa kiết lỵ: lấy lá lu lu khô 25 - 30g (lá tươi tăng gấp 2 liều lượng), đường trắng 25g, sắc nước uống.

Chữa viêm khí quản mạn tính ở người cao tuổi: dùng toàn cây lu lu tươi 30g, cát cánh 9g, cam thảo 3g. Sắc lấy nước, chia thành 2 lần uống trong ngày (uống liên tục trong 10 ngày). Mỗi liệu trình là 10 ngày giữa các liệu trình nghỉ dùng thuốc 5 - 7 ngày. Tại một bệnh viện ở Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm điều trị 324 ca. Kết quả sau 3 liệu trình: khỏi bệnh 228 ca, có tác dụng rõ ràng 43 ca, có chuyển biến 21 ca, tổng hiệu suất đạt 93,5%.

Chữa bong gân sưng đau: dùng lá lu lu tươi một nắm, hành trắng để cả rễ 7 củ, thêm chút men rượu, giã nát, đắp lên chỗ bong gân rồi băng cố định lại, ngày thay thuốc 1 - 2 lần.

Chữa viêm bàng quang: dùng rễ cây lu lu tươi và xương đầu lợn, mỗi thứ 60g, sắc với 1.000ml nước, lửa đun nhỏ riu riu cho cạn còn 500ml, chia thành 2 phần uống trong ngày. Tại một bệnh viện ở Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm điều trị 18 ca viêm bàng quang trong đó 12 ca cấp tính và 6 ca mạn tính. Kết quả sau khi uống thuốc 5 - 7 ngày, các trường hợp cấp tính đều khỏi bệnh; trong số mạn tính trừ 1 người bỏ dở giữa chừng, 5 người còn lại đã khỏi bệnh sau 15 - 17 ngày dùng thuốc.

Chữa cao huyết áp: dùng cả cây lu lu, sắc lấy nước cốt, cô đặc, chế thành viên 0,2g; ngày uống 2 lần, mỗi lần 10- 20 viên; mỗi liệu trình 10 ngày. Tại một bệnh viện ở Trung Quốc đã thử nghiệm điều trị 58 ca, đạt kết quả tốt.

Chữa nữ bị khí hư bạch đới: dùng cây lu lu, hoa mào gà trắng, quán chúng, mỗi thứ đều 30g, sắc với nước 3 lần, bỏ bã, dùng nước thuốc nấu với 200g thịt lợn nạc thành món canh, chia ra 2 lần ăn trong ngày.

BS. HOÀNG XU N ĐẠI

Long nhãn giúp bổ máu, an thần

Nhãn - tên khác lệ chi nô, mác nhan, cây được trồng từ lâu đời, quả chín thu hái về bóc vỏ, lấy cùi được chế biến phơi hoặc sấy khô thành long nhãn. Long nhãn có màu cánh gián (nâu vàng sẫm) khô bóng và mềm, vị ngọt đậm, mùi thơm.

Long nhãn - vị thuốc quý dưỡng huyết, an thần.

Theo y học cổ truyền long nhãn vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ dưỡng, dưỡng huyết, an thần, chữa suy nhược thần kinh, kém ngủ, hay quên.

Dưới đây là một số bài thuốc có long nhãn là phương thuốc bổ để bạn đọc tham khảo:

Chữa tâm thận hư nhược: long nhãn 100g, táo tàu 50g, thái nhỏ ngâm với 500ml rượu trắng, để càng lâu càng tốt. Ngày uống hai chén con trước bữa ăn.

Chữa lo âu, mất ngủ, hay quên: long nhãn 30g, hoàng kỳ 30g, phục thần 30g, mộc hương 15g, toan táo nhân 3g, nhân sâm 15g, chích cam thảo 8g, đương quy 3g, viễn chí 3g. Tất cả ngâm rượu uống. Ngày uống 2 chén con trước bữa ăn.

Chữa suy nhược thần kinh, mệt mỏi, yếu sinh lý: long nhãn 500g ngâm với 2 lít rượu trắng (trong khoảng thời gian 2 tháng), mỗi ngày uống 1 chén nhỏ.

Chữa mồ hôi trộm, sốt hâm hấp vào buổi chiều, khát nước, đại tiện táo, tiểu ít, da khô: long nhãn nhục 40g, cao ban long 40g. Trước tiên, đun long nhãn với một chén nước cho sôi kỹ, sau đó cho cao ban long (đã cắt vụn) vào và đun cho tan hết. Để nguội rồi cắt từng miếng nhỏ. Ngày uống hai lần vào buổi sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ, mỗi lần uống 10g với nước ấm.

Trị tiêu chảy do tì hư: 30 quả long nhãn khô cùng 3-5 lát gừng tươi. Dùng hai thứ nấu nước để uống trong ngày.

Ngoài ra nước uống từ long nhãn: long nhãn 30g, sâm bố chính 20g (tẩm nước gừng sao vàng) hãm uống trong ngày. Dùng tốt cho người suy nhược, mất ngủ.

Hoặc viên hoàn từ long nhãn: long nhãn 100g, giã nhuyễn trộn với bột hạt sen 100g, mật ong vừa đủ hoàn viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 12g. Dùng cho người lo âu mất ngủ, thể trạng gầy yếu.

DS. Mai Thủy

Quất

Truyền thuyết về cây quất

Truyện kể rằng, cách đây hơn 800 năm, vào giữa tiết trời đông giá lạnh, cả kinh thành Thăng Long vô cùng lo lắng bởi nhà vua và văn võ bá quan trong triều cùng hàng ngàn người dân đột nhiên mắc một chứng bệnh thời khí như sổ mũi, hắt hơi, đau nhức chân tay mình mẩy. Vua Lý Thần Tông đã hạ chiếu cho pháp sư Giới Không Thiền Sư lập đàn tế lễ, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm mà ngày một lan rộng. Các quan ngự y được lệnh sưu tầm dược liệu để chế ra những phương thuốc trị bệnh. Sau một thời gian chạy chữa, các chứng bệnh lui dần, duy chỉ còn chứng ho, mất tiếng là dai dẳng kéo dài đến tận giáp Tết Nguyên đán. Nhà vua phải xuống chiếu cho nhân dân cả nước xem ai biết môn thuốc gì chữa khỏi chứng ho kéo dài này sẽ được trọng thưởng. Chiếu chỉ ban hành được vài ngày thì có một nông dân tên là Hoàng Quyết xin dâng lên nhà vua một vị thuốc dân gian, đó là quả quất luyện với đường phèn để chữa bệnh. Nhà vua bèn dùng thử thấy thuốc vừa chua, vừa ngọt, lại cay tê, đắng đắng, thơm mùi quất, chỉ trong hai ngày là khỏi bệnh. Bài thuốc được phổ biến rộng rãi trong nhân dân và từ đó, cây quất cũng được trồng và dùng làm thuốc chữa bệnh tại kinh thành Thăng Long.

Quất - cây cảnh ngày Tết, quả để ăn và làm thuốc chữa bệnh

Từ xa xưa, trong dịp Tết Nguyên đán, quất được dùng làm cây cảnh trang trí trong nhà. Những quả quất màu vàng au hoặc đỏ cam tròn trĩnh và xinh xắn xen lẫn lá xanh dày tượng trưng cho mùa xuân đầy sức sống và sự vươn lên.

Quất chẳng những là cây cảnh của mùa xuân, từ quả quất chín mọng, qua bàn tay khéo léo của con người được chế biến thành mứt quất, một món ăn của ngày Tết, nếu một lần được thưởng thức sẽ chẳng bao giờ quên bởi hương vị đặc trưng: ngọt, thơm, cay dịu... Quất còn là vị thuốc chữa được nhiều bệnh.

Quả quất có mùi thơm, vị ngọt, chua và tinh dầu thơm cay của vỏ. Quả quất được dùng dưới dạng quả còn non hoặc đã chín.

Theo Đông y, quả quất vị ngọt chua, tính ấm, vào các kinh phế, vị, can. Nó có công năng hóa đảm, trị ho, giải uất, tiêu thực, giải rượu. Vỏ có tác dụng mạnh hơn. Quất để càng lâu càng tốt. Hạt quất có tác dụng giảm ho, cầm máu, chống nôn, lá quất có nhiều tinh dầu, có tác dụng chữa cảm mạo phong hàn rất tốt.

Những bài thuốc chữa bệnh bằng quất

Cảm mạo: Lá quất 30g, đổ 3 bát nước sắc còn 1 bát, hòa đường vừa đủ, uống lúc nóng.

Nôn mửa: Vỏ quất, gừng tươi, đất nung mỗi thứ 9g, sắc uống.

Nghẹn: Vỏ quất 20g, sấy khô, tán thành bột, sắc uống nóng.

Sa nang sưng đau: Rễ quất 15 - 16g, sắc uống.

Ho nhiều đờm: Quất 5 quả, đường phèn vừa đủ, hấp cách thủy, ngày ăn 2 lần, liền trong 3 ngày.

Ho gà trẻ em: Quất 10g, gừng tươi 6g, thiên trúc hoàng 6g, sắc uống mỗi ngày 1 lần.

Ho do phế nhiệt: Dùng quả quất với củ cải ép lấy nước uống.

An thần giảm ho: Quất 2 quả (bỏ vỏ, hạt, vách múi), bột ngó sen một ít, đường 100g, một ít hoa quế, nấu chè ăn.

Chữa hậu sản, phù nề, vàng da: Quả quất non 50g, nghệ vàng 100g, nghệ đen 100g, hương phụ 100g, cặn nước tiểu 5g. Tất cả thái mỏng, phơi khô, tán bột mịn, trộn với mật ong làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống 10 viên.

Nước giải khát có tác dụng bổ, dễ tiêu: Quả quất chín 1kg rửa sạch, để ráo nước. Dùng kim sạch châm sâu vào quả 5 - 6 lỗ rồi cho vào lọ rộng miệng cùng với đường kính 2kg; cứ một lớp quất lại một lớp đường. Đậy kín, để trong 7 ngày, được dịch quất đường (sirô quất) màu vàng mùi thơm. Khi dùng, lấy 1 - 2 thìa to sirô này pha với 150ml được đun sôi để nguội. Khuấy đều rồi uống.

Chữa ho lâu ngày không khỏi: Hạt quất 10g, lá thạch xương bồ 10g, thêm 20g đường phèn hấp cơm, uống 2 - 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 5 - 10ml (1 thìa café).

Chữa nôn ra máu: Hạt quất 20g, bóc bỏ vỏ lấy nhân, sao vàng, giã nhỏ, sắc lấy nước uống 2 lần/1 ngày. Cần chú ý tránh nhầm lẫn giữa hạt quất và hạt quýt (y học cổ truyền gọi là quất hạch).

Ngoài ra, trong vỏ của quất, cam, quýt có chất tinh dầu giúp ngăn ngừa phát sinh ung thư gan, thực quản, đại tràng, da... Các nhà khoa học Nhật Bản cho biết, ăn quất cả vỏ sẽ cho vitamin C, chất xơ rất có lợi cho tiêu hóa và hạ được cholesterol, làm vững chắc thành mạch, chữa bệnh tăng huyết áp.

Lương y Hoài Vũ

Dưỡng da, giải nhiệt từ cây lô hội

Nha đam có lá không cuống, mọc thành vành rất sít nhau, phiến lá dày mọng nước, lá nha đam nấu chè, ăn sống, chế biến nước đóng hộp giải khát, chế thành thực phẩm chức năng, mỹ phẩm dưỡng da.

Người ta cắt lá, loại bỏ lớp biểu bì, lấy hết chất nhựa và sấy nhiệt độ 50 độ hoặc ép lá lấy dịch cô cách thủy đến khô thành nhựa cục màu đen gọi lô hội... Nhiều người dân trồng lô hội hái lá nấu canh, nấu chè ăn cho mát chữa nóng nhiệt mụn nhọt táo bón bằng cách hái lá tước vỏ cứng thái lát nấu chè đậu xanh ăn.

Theo dược tính hiện đại, lô hội chứa khoảng 30-40% hợp chất dẫn chất hydroxymetylanthraquinon và các axit amin, các enzym và muối khoáng... Theo y học cổ truyền, lô hội có vị đắng, tính hàn. Tác dụng sát trùng, thông tiện, thanh nhiệt. Chủ trị táo bón, trẻ em cam tích...

Sử dụng ở liều khác nhau lô hội có những tác dụng khác nhau như: liều nhỏ (0,05 - 0,10g), lô hội tác dụng như một vị thuốc bổ giúp tiêu hóa, kích thích nhẹ niêm mạc ruột, không cho cặn bã ở lâu trong ruột... Nếu liều cao, lô hội tác dụng tẩy sổ mạnh, gây sung huyết nội tạng, nếu dùng liều quá cao (8g) có thể ngộ độc chết người...Nha đam chế dạng kem bôi chữa bệnh vẩy nến, trứng cá, viêm da, mẩn ngứa, zona. Lá tươi làm mặt nạ chống lão hóa da, giảm nếp nhăn.

Nha đam chế dạng kem bôi chữa bệnh vẩy nến, trứng cá, viêm da, mẩn ngứa, zona. Lá tươi làm mặt nạ chống lão hóa da, giảm nếp nhăn.

Nha đam còn chế dạng kem bôi chữa bệnh vẩy nến, trứng cá, viêm da, mẩn ngứa, zona. Lá tươi làm mặt nạ đắp lên mặt chống lão hóa bớt nếp nhăn. Gần đây, lá nha đam tươi còn dùng chữa đái tháo đường, tăng huyết áp.

Nha đam tươi người lớn mỗi lần nên sử dụng từ 2-3 lá (tương đương 20-50mg lô hội) tác dụng kiện tỳ vị, nhuận gan, lợi mật, bớt táo bón giúp ăn ngon. Nha đam còn trồng lấy nhựa cây chế thành lô hội thường dùng chủ trị một số bệnh chứng sau:

Trị cam, sát trùng, hòa vị, chỉ tà: lô hội 40g, hạc sắt 40g, hoàng liên 40g, lôi hoàn 40g, mộc hương 40g, thanh đại 40g, thuyền thoái 20 cái, vu di 40g, xạ hương 4g. Tán bột làm hoàn. Ngày uống 2 - 4g.

Trị táo bón, tiểu bí do nhiệt kết: lô hội 6g nghiền nát làm thành 6 viên nang nhỏ. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 - 3 viên nang. Nếu không có viên nang, dùng đường trộn với thuốc, ngậm nuốt dần. Tác dụng: thanh nhiệt, thông lâm (lô hội thông tiện giào hoàn).

Trị ghẻ lở, lở loét hậu môn: lô hội 30g, cam thảo 15g. Tán bột, dùng nước đậu hũ rửa chỗ loét rồi đắp thuốc vào (lô hội tán - lâm sàng thường dụng trung dược thủ sách).

Trị can đởm thực nhiệt gây ra táo bón, tiểu đỏ, ít, hoa mắt, chóng mặt, nặng hơn thì co giật, phát cuồng, nói nhảm: lô hội, đại hoàng, thanh đại (thủy phi) mỗi thứ 4g, đương quy, long đởm thảo, hoàng cầm, chi tử, hoàng bá, hoàng liên mỗi thứ 6g, mộc hương 5,5g, xạ hương 0,3g (để riêng). Tán bột, luyện mật làm hoàn. Mỗi lần uống 6-10g, ngày 3 lần (đương quy lô hội hoàn - tiền ất).

Lưu ý: không dùng nha đam cho những trường hợp tắc ruột hẹp ruột, táo do mất nước, viêm loét dạ dày tá tràng, trĩ, viêm thận, phụ nữ có thai.

Lương y Minh Phúc

Chữa nôn mửa bằng cây bùng bục

Hỏi: Xin cho biết cây bùng bục có được dùng để làm thuốc và chữa bệnh không?

(Lê Văn Tiến - Hà Tĩnh)

Trả lời: Bùng bục còn gọi là bục bục, bông bét, cây lá ngõa, kok po hou (Lào).

Tên khoa học Mallotus barbatus Muell. er Arg.

Thuộc họ thầu dầu (Euphorbiaceae).

Mô tả cây

Bùng bục là một cây nhỡ, cao chừng 1,5 - 2m. Cành non có nhiều lông màu vàng nhạt. Lá mọc so le, phiến lá hình tim, đầu lá dài nhọn, phía cuống tròn hay thẳng góc với cuống, mép nguyên hay hơi thành 3 thùy cắt không sâu, dài rộng chừng 15 - 18cm, khi còn non mặt dưới có những lông màu vàng nhạt, khi già có thể nhẵn. Cuống dài có phủ lông trắng vàng.

Mua hoa vào tháng 4 - 5 ở miền Bắc, mùa quả vào tháng 8 - 9. Hoa khác gốc, mọc thành bông ở đầu cành hay kẽ lá, hoa đực dài và nhỏ hơn hoa cái. Bông hoa dài tới 20cm. Quả có lông cứng to dài. Hạt màu đen, nhỏ, chỉ lớn hơn đầu đinh ghim một chút.

Chữa nôn mửa bằng cây bùng bục

Phân bố thu hái và chế biến

Cây bùng bục mọc hoang ở khắp các miền rừng núi nước ta. Thường ít được dùng. Nhưng dân tộc ít người một vài vùng có dùng hạt của nó để ép lấy dầu đặc như sáp dùng thắp đèn hay làm nến.

Công dụng và liều dùng

Chưa thấy nhân dân ta dùng làm thuốc, một vài nơi như Nghệ An, Hà Tĩnh, Lào dùng hạt ép dầu để thắp.

Tại Trung Quốc người ta có dùng một loại bùng bục có tên khoa học là Mallotus japonicus Muell. er Arg, với tên địa phương là đã ngô đồng, dã đồng. Vỏ thân cây này được dùng chữa nôn mửa, còn có tác dụng sát trùng, nấu cao dán lên mụn nhọt có tác dụng đỡ mưng mủ và lên da non. Gần đây người ta còn thấy vỏ cây này có tác dụng giúp sự tiêu hóa dùng chữa đau dạ dày và loét tá tràng có kết quả.

(Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)

của GS. ĐỖ TẤT LỢi

Bạch quả: loài cây linh thiêng tốt cho trí não con người

Bạch quả (Ginkgo biloba) là loài duy nhất còn sống sót của các chi Ginkgo, một loại hóa thạch sống còn sống. Các cây Bạch quả ngày nay gần giống với tổ tiên cổ xưa của nó.

Các nhà khảo cổ học cho rằng cây Bạch quả có nguồn gốc ở các thung lũng núi tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, họ có những tranh luận rằng nó thực sự hoang dã hoặc những tàn tích của những cây trồng xung quanh nhà ở và tu viện của các nhà Phật giáo thế kỷ XI, cây Bạch quả được tôn kính như một loài cây linh thiêng.

Theo Đông y, hạt cây Bạch quả còn có tên là Ngân Hạnh, nó được dùng từ rất lâu đời trong nền y học cổ truyền phương Đông. Có vị ngọt đắng, tính ấm, có tác dụng ôn phế ích khí (sắc trắng thuộc kim, vào phế), có tác dụng liễm suyễn thấu (ho hen), súc tiểu tiện, chỉ đới trọc. Nếu dùng sống thì có tác dụng trừ đàm, giải độc rượu, tiêu độc sát trùng (hoa Bạch quả nở vào ban đêm, thuộc âm, có độc tính nhẹ nên có tính tiêu độc sát trùng).

Cây Bạch quả

Việc sử dụng lá Bạch quả được ghi chép lần đầu trong Điển niên bản thảo Vân Nam, xuất bản năm 1436. Khi đó, lá Bạch quả được sử dụng bên ngoài để điều trị vết loét, dùng bên trong để điều trị tiêu chảy, và dùng như một loại thuốc bổ cho tim, phổi.

Trong những năm 1700 Bạch quả (Ginkgo biloba) đã được biết đến ở châu u, và khoảng 60 năm sau đó là ở Bắc Mỹ. Bạch quả được dùng làm thuốc chữa bệnh ở phương Tây từ những năm 1900, khi chiết xuất từ lá có tác dụng cải thiện lưu thông tuần hoàn máu, đặc biệt là các mạch máu não và tứ chi. Hiện nay, ở Mỹ và châu u, các chế phẩm có thành phần cao lá Bạch quả hiện nay là một trong những loại thuốc thảo dược bán chạy nhất.

Ngày nay, Bạch quả được sử dụng phổ biến nhằm điều trị bệnh sa sút trí tuệ, do thiểu năng tuần hoàn máu não. Nó giúp cải thiện sự suy nghĩ, nhận thức và trí nhớ ở những người mắc bệnh Alzheimer. Các bác sĩ cũng dùng Bạch quả để điều trị các bệnh như thiểu năng tuần hoàn não, thoái hóa điểm vàng, hội chứng tiền đình, ù tai, trầm cảm, lo âu, căng thẳng, viêm tắc mạch máu chi, hội chứng Raynaud.

Trong lá Bạch quả có chứa các Terpenoid, Flavonoid và một số thành phần khác như Catechin, các hợp chất Phenol, các Polysaccharid, các Sterol, tinh dầu, Brom, sáp… Trong thịt quả có chứa các Acid phenol có độc tính, hạt chứa nhiều dầu béo.

Bạch quả

Tác dụng dược lý của Bạch quả như sau:

Cải thiện tuần hoàn máu não và tuần hoàn ngoại biên.

Cải thiện chức năng tiền đình và thính giác.

Đối kháng với các yếu tố hoạt hóa tiểu cầu.

Chống oxy hóa, loại bỏ các gốc tự do.

Chống viêm tại chỗ.

Giảm co thắt cơ trơn, giảm đau trên các cơn đau quặn.

Ức chế một số vi khuẩn.

Cách sử dụng:

Trà: Cho 1 muỗng cà phê lá Bạch quả trong 100ml nước sôi hãm trong vòng 5 - 7 phút. Uống 1 - 2 ly mỗi ngày sẽ giúp chống căng thẳng, stress.

Dạng thuốc chiết xuất: Hầu hết các nghiên cứu đã được tiến hành cho rằng dùng liều 120 mg/ngày chia hai lần chất chiết xuất chuẩn hóa đến 24 - 27% Glycosides flavone và khoảng 6 – 7% Triterpenes, đối với bệnh viêm tắc động mạch ngoại biên có thể dùng liều 120 – 160mg/ngày. Thời gian dùng thuốc từ 4 – 12 tuần tùy vào từng trường hợp bệnh nhân cụ thể.

Lá Bạch quả và chiết xuất từ lá Bạch quả được xem là an toàn, được chứng minh qua nhiều thử nghiệm lâm sàng lớn và được ứng dụng rộng rãi. Tuy nhiên nó có thể có tác động lên quá trình đông máu. Những bệnh nhân đang dùng các thuốc chống đông nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng chế phẩm từ lá Bạch quả. Ngưng dùng Bạch quả ít nhất 3 ngày trước khi phẫu thuật. Không nên sử dụng cho phụ nữ có thai vì tăng nguy cơ gây xuất huyết, sảy thai.

Tiến sỹ - Lương Y: Phùng Tuấn Giang

Cây dứa dại hỗ trợ điều trị viêm gan

Cây dứa dại còn có tên gọi là dứa gỗ, dứa gai. Đông y gọi tên là lỗ cổ tử, sơn ba la (dứa núi), dã ba la (dứa dại). Tên khoa học là padanus tectorius soland. Dứa dại mọc hoang ở nhiều nơi, được trồng làm cây cảnh, một số nơi còn dùng để ăn. Ngoài quả thì các bộ phận khác như nõn hoa đều có thể làm thuốc.

Quả dứa dại.

Quả dứa dại.

Sau đây, xin giới thiệu một số bài thuốc trị bệnh gan từ dứa dại:

Bài thuốc chữa viêm gan siêu vi: quả dứa dại khô 12g, diệp hạ châu (chó đẻ răng cưa) 8g, nhân trần 12g, trần bì 8g, hổ trượng căn (cốt khí củ) 12g, ngũ vị tử 6g, cam thảo 4g. Tất cả cho vào sắc với 1 lít nước, đun cạn còn 450ml, chia uống 3 lần trong ngày, uống lúc đói. Quả dứa dại vị ngọt, tính bình, có tác dụng ích huyết, cường tâm, bổ tỳ vị, tiêu đàm phá trệ, giải độc; Cốt khí có tác dụng lợi tiểu thông kinh, giảm đau, giảm độc, dùng cho những người bụng trướng, tiểu tiện khó khăn; Nhân trần vị thuốc thường dùng trong nhân dân chữa bệnh vàng da. Nhân trần có tác dụng tăng tiết mật và tăng thải độc của gan và có tác dụng chống viêm, thông tiểu tiện nên được dùng trong chữa bệnh vàng da, bệnh gan.

Bài thuốc chữa phù thũng, xơ gan cổ trướng: rễ dứa dại khô 30-40g, rễ cỏ xước 20-30g, cỏ lưỡi mèo (chỉ thiên) 20-30g. Tất cả cho vào sắc nước uống trong ngày. Rễ dứa dại vị ngọt, tính mát có tác dụng ra mồ hôi, hạ sốt, lợi thủy, hóa thấp, dùng cho người bệnh viêm gan viêm thận. Chỉ thiên có vị đắng, tác dụng giảm sốt, thải độc; Cỏ xước vị chua, đắng, tính bình, không độc, vào 2 kinh can và thận. Có tác dụng phá huyết, hành ứ (sống), bổ can thận (chế biến chín).

Ngoài ra, đọt non cũng được dùng làm thuốc thông tiểu dùng trong những trường hợp đái dắt, đái ra sỏi, sạn... dùng đắp chữa lòi dom. Ngày dùng với liều 20-40g, dùng ngoài không kể liều lượng.

BS. Trần Văn Khương

Lá tre, vị thuốc

Trúc diệp có vị ngọt nhạt, hơi cay, tính lành, vào các kinh: tâm phế, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu giảm sốt. Ngoài ra có thể dùng lá tre cùng với một số lá có tinh dầu, cho mùi thơm, như lá sả, lá hương nhu, bạc hà, khuynh diệp… làm thuốc xông hơi trị cảm mạo. Sau đây là một số bài thuốc điều trị:

Chữa đái buốt, đái dắt: Trúc diệp quyển tâm phối hợp với rau má mỗi thứ 20g, để tươi, rửa sạch, giã nát với vài hạt muối, thêm nước gạn uống.

Chữa tăng huyết áp: Trúc diệp quyển tâm 10g, lá diễn 10g, lá dâu 20g, hoa cúc vàng 20g. Tất cả sắc uống trong ngày.

Chữa kiết lỵ kinh niên: Trúc diệp quyển tâm 4g, hạt cau già 2g, chè tươi 10g sao vàng sắc với 200ml nước còn 50ml nước, uống trong ngày.

Lá tre, vị thuốc

Chữa cảm sốt, miệng khô khát: Trúc diệp 30g, thạch cao 12g, mạch môn 8g, gạo tẻ 7g, bán hạ 4g, đảng sâm 2g, cam thảo 2g. Tất cả sắc với 400ml nước còn 100ml uống làm 2 lần trong ngày.

Hoặc dùng bài: Trúc diệp 16g, kim ngân 16g, cam thảo đất 12g, kinh giới 8g, bạc hà 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa viêm phế quản cấp tính: Trúc diệp 12g, thạch cao 16g, tang bạch bì 12g, mạch môn 12g, sa sâm 12g, thiên môn 12g, hoài sơn 12g, lá hẹ 8g. Sắc uống trong ngày.

Chữa viêm thanh quản, mất tiếng: Trúc diệp 12g, trúc như 12g, tang bạch bì 12g, thổ bối mẫu 10g, thanh bì 8g, cát cánh 8g, nam tính chế 6g, gừng 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa viêm bàng quang cấp tính: Trúc diệp 16g, sinh địa 12g, mộc thông 12g, hoàng cầm 12g, cam thảo 6g, đăng tâm 6g sắc uống trong ngày.

Chữa đái ra dưỡng chấp: Trúc diệp 20g, kim tiền thảo 20g, mía dò 20g, giá đỗ xanh 16g, tì giải 16g, ý dĩ 12g, hoạt thạch 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa sởi ở thời kỳ đang mọc: Trúc diệp 20g, sài đất 16g, sắn dây 12g, cam thảo đất 12g. Sắc uống trong ngày.

Chữa thủy đậu: Trúc diệp 8g, liên kiều 8g, cát cánh 4g, đạm đậu sị 4g, bạc hà 2g, sơn chi 2g, cam thảo 2g, hành tằm 2 củ. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa viêm loét miệng: Trúc diệp 16g, thạch cao 20g, sinh địa 16g, chút chít 16g, cam thảo nam 16g, huyền sâm 12g, ngọc trúc 12g, mộc thông 12g. Sắc uống trong ngày.

DS. Nguyễn Thị Hồng

Vải

Điều hòa huyết áp

Potassium (kali) là một loại khoáng tố cần thiết mà cơ thể cần để kiểm soát huyết áp. Hiệp hội Tim mạch Mỹ đề nghị rằng những người có huyết áp cao nên ăn những loại thực phẩm giàu kali như trái vải. Một chén vải có thể cung cấp cho cơ thể khoảng 325 mg kali, tức khoảng 9% lượng kali được đề nghị cho cơ thể mỗi ngày. Bên cạnh đó, trái vải là một loại trái cây có hàm lượng sodium (natri) vô cùng thấp, vì vậy đây là loại thức ăn lý tưởng cho việc điều hòa, kiểm soát huyết áp.

Ngăn ngừa ung thư:

Trong quả vải thiều chứa chất flavonoid có tác dụng rất tốt trong việc phòng ngừa nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ. Ngoài flavonoid, trong quả vải còn chứa các loại vitamin C, đây là nguồn dưỡng chất mà cơ thể không thể sản xuất được, có tác dụng giúp cơ thể ngăn ngừa bệnh ung thư

Ngoài ra nó còn tốt cho xương, da và các mô cơ thể giúp ngăn ngừa các chứng bệnh như cảm lạnh, sốt, viêm họng, giảm đau.

Tạo làn da rạng ngời

Mùa hè là mùa “đáng sợ” của làn da, nó khiến da dễ nổi mụn và đốm do da tiết nhiều chất nhờn cùng với bụi bẩn ngoài đường. Ngoài việc làm sạch, nuôi nấng da từ bên ngoài, bạn cũng cần nuôi dưỡng da từ bên trong bằng chính trái vải. Các chất chống ôxy hóa trong trái vải sẽ giúp da khỏe mạnh hơn, loại bớt những nếp nhăn, tạo cho làn da nét trẻ trung hơn.

Giảm trào ngược, cầm tiêu chảy:

vải có tính ấm bồi bổ hệ tiêu hóa, còn có thể giảm trào ngược, là món ăn thực dưỡng tốt cho người bệnh bị nôn oẹ mang tính trào ngược ngoan cố và tiêu chảy giấc sáng

Những ai không được dùng nhân sâm?

Hiện nay, trên thị trường nhân sâm được bán rất nhiều, đủ mọi dạng như hồng sâm, bạch sâm, rượu sâm, trà sâm, các loại mỹ phẩm có sâm... Nhiều người cho rằng nhân sâm là loại thuốc bổ và mát, lại trị được bách bệnh. Đặc biệt trong những ngày hè nóng nực, nhiều phụ huynh đã mua nước sâm, trà sâm cho con uống để mong tiêu tan rôm sẩy, mụn nhọt hay bồi bổ để trẻ tăng cân.Thực ra nếu dùng không đúng, nhân sâm sẽ gây ngộ độc làm bệnh nặng thêm, thậm chí gây chết người.

Thành phần chủ yếu của nhân sâm gồm saponin triterpenoid tetracyclic, nhóm dammaran (gọi chung là ginsenosid), có tới gần 30 saponin khác nhau.

Những ai không được dùng nhân sâm? 1

Nhân sâm được coi là đầu vị của thuốc bổ khí, có công năng bổ khí huyết, định thần, ích trí.

Theo YHCT, nhân sâm được coi là đầu vị của thuốc bổ khí và đứng đầu trong 4 vị thuốc quý của Đông y: sâm, nhung, quế, phụ. Với công năng bổ khí, ích huyết, sinh tân, định thần, ích trí. Được dùng trị chứng chân khí suy kém, cơ thể thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, đoản hơi, đoản khí, chân tay lạnh, mạch yếu, người gầy yếu, cơ thể mới ốm dậy, kém ăn, trí nhớ suy giảm, người ở trạng thái căng thẳng thần kinh, trong người nóng, háo khát, đái tháo, tim loạn nhịp, sinh dục kém, trẻ em quá gầy yếu, chậm lớn.

Có thể chỉ dùng 1 vị sâm: nhân sâm thái mỏng, hãm với nước sôi, nhiều lần, ngày có thể dùng 4-10g. Hoặc ngâm rượu: 50g nhân sâm thái mỏng ngâm rượu 3 lần. Lần 1 ngâm với 600ml rượu 35-40 độ, ngâm 1 tháng; lần 2 ngâm 500ml trong 3 tuần; lần 3 ngâm với 400ml rượu trong 2 tuần. Sau gộp dịch chiết 3 lần. Ngày uống 20-30ml.

Do có tác dụng bổ khí, nhân sâm còn được dùng trong nhiều bài cổ phương quý:

Bài Tứ quân tử thang: nhân sâm,bạch linh, bạch truật, mỗi vị 5g, cam thảo 3g. Ngày uống 1 thang dưới dạng sắc hoặc làm hoàn. Tác dụng bổ chân khí cho những người sức khỏe yếu hay mệt mỏi, kém ăn. Hoặc bài Bát trân thang: Kết hợp bài Tứ quân tử thang thêm các vị: xuyên khung, đương quy, bạch thược, thục địa, mỗi vị 5g. Ngày một thang dưới dạng sắc hay thuốc hoàn. Tác dụng: trị chứng cả khí và huyết đều suy, người mệt mỏi, chân tay vô lực, đoản hơi, thiếu máu, da xanh xao, gầy còm, kém ăn.

Những ai không nên dùng hoặc cần thận trọng khi dùng nhân sâm?

Nhân sâm tuy là loại thuốc bổ khí đầu vị, song không phải dùng cho mọi đối tượng được. Người bụng thường xuyên bị đầy trướng, căng tức, đau bụng, sôi bụng, phân nát, lỏng hoặc tiêu chảy không được dùng. Đặc biệt, nếu bị đau bụng, tiêu chảy, dùng nhân sâm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Người bị nôn mửa, trào ngược, tăng huyết áp cũng không nên dùng. Vì sâm lúc đầu có tác dụng tăng huyết áp, sau lại hạ. Do vậy nếu ở trạng thái tăng huyết áp dễ dẫn đến tai biến mạch máu não. Phụ nữ trước ngày sinh cũng không nên dùng sâm.

Người hay mất ngủ nhưng sức khỏe yếu mà muốn dùng sâm nên dùng buổi sáng với liều lượng thấp, khoảng 2-3g/ngày. Cần lưu ý không dùng lô sâm (đầu núm rễ củ sâm), vì có tác dụng gây nôn. Không dùng kèm với vị lê lô và ngũ linh chi.

Trẻ em cơ thể yếu, kém ăn, chậm phát triển về thể lực và tinh thần có thể dùng nhân sâm, song không nên quá lạm dụng vì sẽ làm cho trẻ bị kích dục sớm.

GS.TS. Phạm Xuân Sinh

Công dụng chữa bệnh của rau quả

Bài viết dưới đây xin được giới thiệu tác dụng hỗ trợ và điều trị bệnh của từng loại rau củ quả thông dụng trong cuộc sống hàng ngày để bạn đọc tham khảo và sử dụng:

Hoa bí ngô giúp thanh nhiệt, kháng viêm: Hoa bí ngô là một trong những loại rau hết sức dân dã ở nông thôn nhưng đồng thời cũng là một vị thuốc nam độc đáo. Tuy chưa đầy đủ nhưng một số nghiên cứu hiện đại cho thấy loại thảo dược này rất giàu chất dinh dưỡng, trong đó đặc biệt là có hàm lượng caroten rất cao, được mệnh danh là thứ “rau toàn năng”. Theo dược học cổ truyền, hoa bí ngô vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng, cầm máu, thường được dùng để chữa viêm kết mạc, viêm tuyến vú, ho, viêm gan vàng da, viêm họng, ung thư vú… Để giúp thanh nhiệt kháng viêm có thể dùng: (1) Hoa bí ngô 30-50g, đường phèn sắc uống chữa ho có đờm, viêm họng, viêm phế quản. (2) Hoa bí ngô 30-50g, kim ngân hoa 15g, long đởm thảo 20-30g, sắc uống chữa viêm gan, đau mắt đỏ, gan nhiễm mỡ. (3) Hoa bí ngô 30-50g, rau sam 20-30g, sắc uống chữa viêm đường tiết niệu, viêm ruột, lỵ, mẩn ngứa. (4) Hoa bí ngô 50g, gan lợn 200-300g, xào ăn hàng ngày. (5) Hoa bí ngô 30g, kim ngân hoa 25g, trần bì 15g, bồ công anh 30g, sắc uống chữa viêm tuyến vú, viêm đường tiết niệu, mày đay.Hoa bí ngô chữa viêm kết mạc, viêm tuyến vú, viêm gan vàng da, viêm họng, ung thư vú.

Hoa bí ngô chữa viêm kết mạc, viêm tuyến vú, viêm gan vàng da, viêm họng, ung thư vú.

Củ lạc hỗ trợ giảm cân: Củ lạc còn gọi là hoa sinh, là một thực phẩm thường dùng trong đời sống hàng ngày. Trong lạc có chứa nhiều acid không no (acid oleic và acid linleic chiếm tới 80% tổng số acid béo trong lạc), acid folic, chất xơ nên rất có lợi cho những người thừa cân, béo phì và rối loạn lipid máu. Một nghiên cứu ở Mỹ trên 101 người béo phì được chia làm 2 nhóm: nhóm ăn ít chất béo và nhóm ăn lạc, nhận thấy: sau 2 tháng, cả hai nhóm mỗi người giảm được ít nhất 11kg, nhưng sau 1 năm, nhóm ăn ít chất béo tăng cân trở lại còn nhóm ăn lạc thì cân nặng vẫn giữ nguyên. Để hỗ trợ giảm cân có thể dùng: (1) Giữa 2 bữa ăn, khi bụng đói nên ăn 30g, tương ứng khoảng 35 hạt lạc (cung cấp 160 calo) để tạo cảm giác no khiến bữa ăn tiếp theo không muốn ăn nữa. (2) Dùng lạc 30g rang, giã nát nấu canh với mướp hương, gấc cùng dưa chua hoặc chế biến cùng với vừng đen làm thức ăn hàng ngày. Theo dược học cổ truyền, lạc vị ngọt bùi, có công dụng bổ tỳ, dưỡng vị, nhuận phế, lợi tràng.

Quả mận giúp hỗ trợ tiêu hóa: Mận là thứ quả rất phổ biến ở nước ta. Loại quả này có chứa nhiều chất xơ, istatin, sorbitol rất có lợi cho tiêu hóa trong việc điều hòa nhu động ruột, giảm nguy cơ táo bón, chống đầy hơi và tiêu chảy. Để hỗ trợ tiêu hóa có thể dùng mận dưới các dạng: ăn sống như các loại hoa quả thông thường, làm thành mứt dẻo, dạng ô mai mận, mận gọt vỏ thái miếng trộn giấm, đường, ớt, nước ép mận, siro mận… Tuy nhiên, khi dùng loại quả này cần lưu ý chỉ nên ăn với một lượng nhất định, thường là nên ăn tối đa 10 quả/ngày vì: mận chứa nhiều oxalate có thể làm giảm hấp thu canxi gây lắng đọng tạo sỏi tiết niệu, mận có tính nóng nên dễ gây nhiệt miệng, mụn nhọt, mận có tính acid cao nên dễ hại men răng và niêm mạc dạ dày. Vậy nên những người bị bệnh thận thể chất nhiệt, thai phụ và bị tiểu đường nên thận trọng khi sử dụng.

Hoàng Mai

Những cây thuốc chứa hợp chất berberin

kháng virut, chống ung thư, lợi mật, chống loét đường tiêu hóa, hạ huyết áp; phòng ngừa xơ vữa động mạch, hạ cholesterol máu và kháng một số nấm ngoài da...

Berberin được dùng nhiều để trị các bệnh đường ruột: viêm đại tràng, lỵ; bệnh gan mật: viêm gan vàng da; đau mắt do viêm màng kết mạc; bệnh ngoài da: viêm tai chảy mủ, nước ăn chân, ngứa do nấm... Hiện berberin được bào chế dưới dạng viên nén để trị các bệnh viêm nhiễm nội tạng hoặc dung dịch thuốc nhỏ mắt, thuốc bột bôi xoa trị lở, ngứa, nấm ngoài da. Để có berberin, người ta phải tiến hành chiết xuất, phân lập từ vàng đắng, hoàng bá và các loài hoàng liên... Các dược liệu chứa hoạt chất berberin được sử dụng nhiều trong YHCT với tác dụng thanh nhiệt táo thấp, thanh nhiệt giải độc hoặc tư âm giáng hỏa…

Vàng đắng (Coscinium fenestratum (Gaertn.) Colebr., họ Tiết dê (Menispermaceae): là loại dây leo, ruột có màu vàng, vị rất đắng nên có tên gọi vàng đắng, thường thấy ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai... Thân và rễ chứa hợp chất berberin tới 3,5% và acid palmitic, sitosterol...

YHCT thường dùng rễ và thân cây trị các bệnh đường ruột: Tiêu chảy, lỵ trực khuẩn, sốt vàng da, sốt rét. Ngày dùng 10-16g dạng thuốc sắc hay thuốc bột.

Hoàng bá (Phellodendron amurense Rupr.), họ Cam (Rutaceae): được nhập trồng ở Sa Pa và Hà Nội. Vỏ thân chứa hợp chất berberin và palmatin, jatrorrhizin... Bộ phận dùng là vỏ thân (Cortex Phellodendri), khi dùng, cạo sạch lớp bẩn bên ngoài, thái phiến, sao vàng. Dùng dưới dạng nước sắc, ngày 6-12g.

Trong YHCT, hoàng bá dùng trị các chứng sốt do âm hư hoặc đau nóng âm ỉ trong xương, ra mồ hôi trộm, viêm tiết niệu, lỵ, hoàng đản, mụn nhọt, lở ngứa.

Cây và vị thuốc hoàng liên chân gà.

Cây và vị thuốc hoàng liên chân gà.

Hoàng liên chân gà hay còn gọi là Xuyên liên (Coptis chinensis Franch.) hoặc (Coptis quinquesecta Wang.), họ hoàng liên (Ranunculaceae): thường mọc ở vùng núi Sa Pa (Lào Cai) và Quản Bạ (Hà Giang). Tuy nhiên, hiện vẫn phải nhập từ Trung Quốc. Để có nguồn dược liệu hoàng liên, nhất thiết phải trồng trọt với quy mô lớn. Trên thực tế, người ta dùng thân rễ của hoàng liên (Rhizoma Coptidis) để làm thuốc. Ngoài berberin với hàm lượng lớn (4%) còn có các ancaloid khác như palmatin, columbamin...

Cách chế biến hoàng liên đơn giản nhất là sao vàng, chích rượu, chích nước gừng hoặc nước ngô thù du với mục đích tăng thêm tính ấm cho vị thuốc để khí vị của hoàng liên có thể “thăng đề”, tức di chuyển lên các bộ phận ở thượng tiêu để điều trị các bệnh như viêm tai, viêm mắt... Hoặc chích giấm ăn, chích dịch mật lợn để trị các bệnh thuộc gan, mật như viêm gan hoàng đản, viêm túi mật, sốt rét... Liều dùng 2-4g/ngày, dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.

Hoàng liên gai: Trong họ hoàng liên gai (Berberidaceae), có nhiều loài như hoàng mộc (Berberis wallichiana DC.), hoàng liên gai nhím (Berberis julianae Schneid). Những loài này đều có ở Lào Cai, Sa Pa, Mường Khương. Rễ và thân cây hoàng liên gai chứa berberin với hàm lượng 3-4% và các ancaloid khác như palmatin, jatrorrhizin...

Cũng giống như hoàng liên chân gà, hoàng liên gai có vị đắng, tính hàn, trị các bệnh đường tiêu hóa: rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, kiết lỵ; hoặc chữa đau họng, đau răng, lợi. Cũng có thể dùng ngoài để rửa các vết thương, mụn nhọt...

Hoàng liên ô rô (Mahonia nepalensis DC.): thường có ở Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Bắc Cạn, Lâm Đồng. Bộ phận dùng là rễ, thân, lá và quả. Từ thân, lá, rễ có berberin và một số alcaloid như umbellatin, nephrotin. Hoàng liên ô rô có tác dụng thanh nhiệt ở các tạng phế, vị can, thận. Dùng trị ho lao, sốt, khạc ra máu, đau mỏi lưng gối, chóng mặt ù tai, mất ngủ. Liều dùng 8-12g. Nếu dùng trị viêm gan vàng da, viêm ruột tiêu chảy, đau mắt, liều dùng có thể tới 20g.

Ngoài ra, berberin còn có trong rễ cây táo rừng (Rhamnus oenoplia L.), họ táo ta (Rhamnaceae). Táo rừng phổ biến ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Sơn La, Lạng Sơn... Bộ phận dùng là rễ, vỏ và lá cây. Dân gian thường dùng rễ ngâm rượu, chấm vào nơi răng, lợi bị viêm đau. Hạt táo rừng trị mất ngủ, tiêu chảy, kiết lỵ, lá chữa chóng mặt, buồn nôn.

Lá táo ta (Ziziphus mauritiana lam.), họ táo ta (Rhamnaceae) cũng chứa hợp chất berberin. Lá táo sao vàng, sắc uống với liều từ 20-40g để trị ho, khó thở. Lá tươi dùng ngoài trị lở loét, mụn nhọt.

GS.TS. Phạm Xuân Sinh

Lô hội

Lô hội còn có tên là nha đam, long tu, lưỡi hỗ... Tên khoa học: Aloe vera L var. Nha đam được dùng để làm cảnh, trong chế biến món ăn, mỹ phẩm và làm thuốc. Lô hội là nhựa cây nha đam. Nên chọn nhựa khô có sắc đen hoặc đen nâu, hơi có ánh bóng, cứng, không lẫn tạp chất là tốt.

Lô hội chủ yếu có chứa chất antraglycozit, chủ yếu là aloin. Nhựa chứa acid amin, vitamin (B1, B2, B5, B6, B12, axít folic, C, A, E); khoáng tố vi lượng (Na, K, Ca, P, Cu, Fe, Zn, Mg, Mn, Cr)… Theo Đông y, lô hội vị đắng, tính hàn. Vào kinh can, tỳ, vị, đại trường. Có tác dụng thông đại tiện, thanh nhiệt, mát gan, sát trùng, thường dùng làm thuốc xổ trị táo bón, chữa viêm loét dạ dày, làm lành vết thương, bệnh ngoài da, thông kinh nguyệt, sỏi niệu, đái tháo đường... Dùng ít tác dụng kiện vị, mỗi lần uống 0,01 - 0,03g. Dùng nhuận trường, mỗi lần uống 0,06 - 0,2g. Dùng xổ, mỗi lần 1 - 2g. Sau đây là một số cách dùng lô hội làm thuốc:

Trị cam, sát trùng, hòa vị, chỉ tả

Dùng bài: Lô hội hoàn: lô hội 40g, hạc sắt 40g, lôi hoàn 40g, mộc hương 40g, thanh đại 40g, thuyền thoái 20 cái, vu di 40g, xạ hương 4g. Các vị tán bột làm hoàn, ngày uống 2 - 4g.

Lô hội có tác dụng với bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng.

Trị táo bón, tiểu bí do nhiệt kết

Dùng bài: Lô hội thông tiện giào hoàn: lô hội 6g. Nghiền nát, phân ra cho vào 6 viên nang nhỏ. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 - 3 viên nang. Nếu không có viên nang, dùng đường trộn với thuốc, ngậm nuốt dần. Tác dụng: thanh nhiệt, thông lâm..

Trị ghẻ lở, lở loét hậu môn

Dùng bài: Lô hội tán: lô hội 30g, cam thảo 15g. Tán bột. Dùng nước đậu hũ rửa chỗ loét rồi đắp thuốc vào.

Trị can đởm thực nhiệt gây ra táo bón, tiểu đỏ, ít, hoa mắt, chóng mặt, nặng hơn thì co giật, phát cuồng, nói nhảm.

Dùng bài: Đương quy lô hội hoàn: lô hội, đại hoàng, thanh đại (thủy phi) mỗi thứ 4g; đương quy, long đởm thảo, hoàng cầm, chi tử, hoàng bá, hoàng liên mỗi thứ 6g; mộc hương 5,5g, xạ hương 0,3g (để riêng). Các vị tán bột, luyện mật làm hoàn. Mỗi lần uống 6 - 10g, ngày 3 lần.

Trị cam nhiệt, giun đũa: lô hội 15g. Tán bột, mỗi ngày uống 6g lúc đói với nước ấm.

Mụn nhọt: lá lô hội tươi giã nát, đắp lên mụn nhọt.

Trứng cá: lá lô hội tươi bóc vỏ, lấy phần gel tươi, xoa lên vùng bị trứng cá, ngày làm 1 lần. Làm liên tục nhiều ngày.

Đái tháo đường: lá lô hội 20g. Sắc uống ngày 1 thang (có thể uống sống).

Tiểu đục: lô hội tươi 20g giã nát, thêm đạm qua tử nhân 30 hạt, uống trước bữa ăn, ngày 2 lần. Có thể dùng hoa lô hội 20g nấu với thịt lợn ăn.

Tiêu hóa kém: lô hội 20g, bạch truật 12g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần.

Viêm loét tá tràng: lô hội 20g, dạ cẩm 20g, nghệ vàng 12g (tán bột mịn), cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Nếu ợ chua nhiều, thêm mai mực tán bột 10g chiêu với nước thuốc trên. 15-20 ngày là 1 liệu trình.

Bế kinh, đau bụng kinh: lô hội 20g, nghệ đen 12g, rễ củ gai 20g, tô mộc 12g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1thang, chia 2-3 lần.

Lưu ý:

- Lô hội có tác dụng tẩy mạnh, vì vậy, nên giảm liều hoặc ngưng thuốc nếu có hiện tượng đi ngoài phân lỏng. Người đã bị đi ngoài phân lỏng thì không nên dùng.

- Nên thận trọng khi dùng cho người cao tuổi.

- Phụ nữ có thai và người tỳ vị hư nhược không được dùng.

Lương y: Minh Phúc

Những cây sâm quý bồi bổ sức khỏe

Rất nhiều loại củ sâm có hình dáng hao hao giống hình người, đặc biệt là Nhân sâm, do đó một số vị thuốc khác không thuộc chi, họ sâm nhưng có hình dáng củ tương tự cũng thường được gọi là sâm. Thêm vào đó, sâm là một vị thuốc bổ nên nhiều vị thuốc khác có tác dụng bồi bổ cơ thể cũng được gọi là sâm hoặc gắn với chữ sâm. Ở Việt Nam có nhiều dược thảo có tên “sâm” được sử dụng từ rất lâu đời, với nhiều công dụng khác nhau.

Sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh còn gọi là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm. Có tên khoa học Panax Vietnamensis Ha et Grushv, thuộc họ Ngũ gia bì. Cây mọc tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc Kon Tum và Quảng Nam, cây mọc dày thành đám dưới tán rừng dọc theo các suối ẩm trên đất nhiều mùn. Sâm Ngọc Linh có tới 52 loại saponin, chính yếu tố này đã đưa sâm Ngọc Linh thành loại sâm có hàm lượng saponin lớn nhất thế giới. Ngoài ra, trong sâm Ngọc Linh có tới 14 axít béo, 17 axít amin và 20 nguyên tố đa vi lượng. Các nghiên cứu gần đây cho thấy sâm Ngọc Linh với khả năng chống stress, trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống oxy hóa.

Những cây sâm quý bồi bổ sức khỏeSâm Ngọc Linh

Theo y học cổ truyền, sâm Ngọc Linh có vị đắng, không độc, quy kinh Tâm, Thận. Thích hợp dùng cho người bị suy nhược cơ thể, trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, người già, người bị thiếu máu, mới ốm dậy, nam giới cần tăng cường chức năng sinh dục. Dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc với liều 2 - 6g một ngày.

Sâm bố chính

Sâm bố chính còn gọi là sâm thổ hào, sâm báo, nhân sâm Phú Yên. Có tên khoa học Hibiscus sagittifoliusKurz var.quinquelobus Gagnep., thuộc họ Bông. Sâm bố chính mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi ở Việt Nam. Miền Bắc có nhiều ở các vùng núi huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Hương Sơn (Nghệ An, Hà Tĩnh). Chứa nhiều tinh bột và các chất nhầy.

Sâm bố chính có vị ngọt đắng, tính mát; quy kinh Tỳ, Phế. Công dụng bổ khí, ích huyết, chỉ khát, sinh tân dịch; sao với gạo thì tính ấm, bổ tỳ vị, giúp tiêu hóa, thêm sức mạnh. Thường dùng chữa cơ thể suy nhược, ít ngủ, lao phổi, kém ăn, trẻ em gầy còm chậm lớn, sốt và ho dai dẳng, viêm họng, kinh nguyệt không đều, đau lưng, đau mình, hoa mắt, chóng mặt, khí hư.Thường được dùng với liều 10 - 20g mỗi ngày dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột, thuốc viên.

Sâm cau

Sâm cau còn gọi là ngải cau, tiên mao, cồ nốc lan. Tên khoa học Curculigo orchioides Gaertn., thuộc họ Tỏi voi lùn. Cây mọc hoang trên các đồi cỏ ven rừng núi nhiều nơi ở miền Bắc, vùng đồi núi Lang Bian cũng có gặp. Sâm cau có chứa chất nhầy, phenolic glycoside, saponin, hợp chất béo.

Những cây sâm quý bồi bổ sức khỏeSâm cau

Sâm cau có vị cay, tính ôn, có độc; qui kinh Thận, Can. Có công dụng bổ thận tráng dương, ôn trung táo thấp, tráng gân cốt. Thường được dùng chữa nam giới tinh lạnh, liệt dương; phụ nữ đái đục, bạch đới, người già đái són lạnh dạ; thần kinh suy nhược, phong thấp, lưng gối lạnh đau, vận động khó khăn. Ngày dùng 6 - 12g phối hợp với các vị khác dạng thuốc sắc hay ngâm rượu. Dùng ngoài giã đắp chữa ngứa và bệnh ngoài da. Ngày dùng 10 - 15g dạng thuốc sắc, viên hoàn hoặc thuốc mỡ.

Sâm đại hành

Sâm đại hành còn có tên là tỏi Lào, hành đỏ, tỏi đỏ, hành Lào, kiệu đỏ, co nhọt (Lào). Có tên khoa học Eleutherine subaphylla Gagnep., thuộc họ La dơn. Cây thường mọc hoang ở các sườn đồi, bìa rừng hoặc dưới tán rừng và được trồng lấy củ làm thuốc tại nhiều nơi như Hà Tây, Hòa Bình, Nghĩa Lộ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đà Nẵng. Cây trồng rất đơn giản, chỉ việc dùng củ vùi xuống đất như trồng hành tỏi. Chứa các chất quinoid, eleutherin, isoeleutherin, eleutherol. Các nghiên cứu gần đây cho thấy sâm đại hành là thuốc có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, cầm máu.

Sâm đại hành có vị ngọt nhạt, tính hơi ấm vào Can, Tỳ. Công dụng tư âm dưỡng huyết, chỉ huyết, sinh cơ, chỉ khái. Thường được dùng để trị ho, đinh nhọt, lở ngứa ngoài da, chốc đầu, ho ra máu, thiếu máu, mệt mỏi, đau đầu. Liều dùng: ngày 4 - 12g dạng sắc, hãm, bột, viên hoặc thuốc mỡ bôi ngoài.

Cát sâm

Cát sâm còn gọi là sâm nam, sâm chuột, ngưu đại lực, sơn liên ngẫu, đại lực thự. Tên khoa học Millettia speciosa Champ., thuộc họ Cánh bướm. Cây mọc hoang tại những vùng đồi núi của nhiều tỉnh miền Bắc nước ta, như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Tây, Hòa Bình. Chứa alkaloids, terpenoids, flavones, phenylpropanoids, phytosterol và tinh dầu. Các nghiên cứu gần đây cho thấy Cát sâm có công dụng nâng cao miễn dịch, kháng viêm, long đờm, chống ho, chống oxy hóa.

Cát sâm có vị ngọt, tính bình; quy kinh Phế, Tỳ. Công dụng dưỡng Tỳ, trừ hư nhiệt, bổ trung ích khí, lợi tiểu. Thường dùng trong những trường hợp suy nhược cơ thể, biếng ăn, ho đàm, sốt khát nước, nhức đầu, tiểu tiện khó khăn, dùng riêng hay phối hợp với nhiều vị thuốc khác. Mỗi ngày dùng 10 - 20g, đôi khi đến 40g dưới dạng thuốc sắc hoặc bột.

Sa sâm

Sa sâm có tên khoa học Launaea pinnatifida Cass., thuộc họ Cúc. Cây này mọc hoang phổ biến ở các bờ biển Việt Nam, vùng Quảng Ninh, Nam Định, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Sa sâm có tinh dầu, polysaccharid, nhiều dẫn chất coumarin… có tác dụng giãn mạch, tăng trương lực cơ tim, trừ đàm và kháng trực khuẩn.

Những cây sâm quý bồi bổ sức khỏeSa sâm

Sa sâm có vị ngọt, hơi đắng, tính mát; quy kinh Phế, Vị. Công dụng: dưỡng âm thanh phế, tả hỏa, chỉ thấu, ích vị sinh tân. Chủ trị: viêm phế quản mạn tính, ho, ho khan; bệnh nhiệt bao tân dịch, gầy róc, lưỡi khô, khát nước. Liều lượng: 10 - 15g dạng thuốc sắc. Dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.

Đảng sâm

Đảng sâm là phòng đảng sâm, lộ đảng sâm, cỏ rầy cáy, lầy cáy. Tên khoa học Codonopsis pilosula (Franch) Nannf., thuộc họ Hoa chuông. Đảng sâm ở 14 tỉnh miền núi phía Bắc, còn ở phía Nam, chỉ có ở khuvực Tây nguyên. Vùng phân bố tập trung nhất ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Đà Nẵng, Lâm Đồng. Chứa sucrose, glucose, inulin, alcaloid, scutellarein glucoside. Tác dụng chống mỏi mệt có tác dụng trên cả hai mặt hưng phấn và ức chế của vỏ não.

Những cây sâm quý bồi bổ sức khỏeĐảng sâm

Đảng sâm có vị ngọt, tính bình, không độc; quy kinh Phế, Tỳ. Công dụng bổ trung ích khí, hòa tỳ vị, trừ phiền khát. Vì vậy, đảng sâm thường được dùng thay thế cho nhân sâm trong các bài thuốc. Thường dùng trị cơ thể suy nhược do khí kém, ăn uống kém, ỉa chảy do tỳ hư, vàng da do huyết hư, tiêu ra máu, rong kinh, trị thiếu máu mạn, gầy ốm, phiền khát, phát sốt, mồ hôi tự ra, băng huyết, các chứng thai sản (Trung Dược Tài Thủ Sách). Liều lượng thường dùng: 8 - 20g.

Ngoài ra ở Việt Nam còn có các loại sâm chưa hoặc ít biết đến như: nam sâm, sâm rừng, sâm mây, sâm hoàn dương. Có một số loài sâm được di thực về Việt Nam và được nhân trồng rộng rãi như huyền sâm, đan sâm.

Lời khuyên của thầy thuốcSâm tuy là loại thuốc bổ nhưng cũng có những kiêng kỵ khi dùng nên không phải mọi đối tượng đều có thể dùng được. Tùy vào tình trạng sức khỏe, độ tuổi mà có chỉ định về liều lượng, cách sử dụng khác nhau. Trước khi sử dụng cần có sự hướng dẫn của thầy thuốc.

TS.BS. VÕ TRỌNG TU N, DƯƠNG THỊ NGỌC LAN